Hỏi: Chào luật sư, vợ chồng tôi đã ly hôn được 1 năm, khi ly hôn thì con tôi mới 2 tuổi nên Tòa án đã giải quyết để cho mẹ nuôi. Khi đó cô ấy có công việc ổn định nhưng hiện nay, cô ấy đang thất nghiệp và thường xuyên bỏ bê con. Giờ tôi muốn đưa con về ở với tôi nhưng không biết làm cách nào để có thể giành lại quyền nuôi con. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Luật Toàn Long. Về vấn đề của bạn, Luật sư xin giải đáp như sau:
Theo quy định của pháp luật, khi ly hôn, nếu hai vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau về việc nuôi con thì Tòa án sẽ cân nhắc, xem xét điều kiện về tất cả các mặt của cả bố và mẹ, quyết định dựa trên sự ưu tiên phát triển về mọi mặt của đứa trẻ. Theo như bạn chia sẻ thì khi ly hôn con bạn dưới 3 tuổi, người vợ lại đang có công việc ổn định nên việc Tòa án quyết định cho cô ấy quyền nuôi con là hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, nếu sau khi ly hôn người được quyền nuôi con không đáp ứng được các điều kiện để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho con thì người thân thích với con, cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em hoặc Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Với trường hợp của bạn hoàn toàn có thể yêu cầu để mình là người trực tiếp nuôi con.
Cụ thể khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Tuy nhiên để xác định người mẹ có còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hay không phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Nếu chỉ đưa ra yếu tố là hiện tại người mẹ đang thất nghiệp thì chưa đủ căn cứ để nói người đó không còn khả năng nuôi con. Vì họ có thể dùng tiền tiết kiệm hay các khoản thu khác để duy trì cuộc sống của hai mẹ con. Tương tự, việc bạn cho rằng cô ấy thường xuyên bỏ bê con thì cũng cần có bằng chứng xác thực. Điều này có thể được xác thực thông qua người thân trong gia đình hay hàng xóm, láng giềng.
Khi bạn có yêu cầu, Tòa án sẽ xem xét các yếu tố trên thực tế để cân nhắc và quyết định xem người mẹ hiện tại thực sự có còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hay không. Nếu thực sự việc con bạn tiếp tục sống với người mẹ sẽ không thể phát triển toàn diện được và việc sống với bạn sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn thì Tòa án sẽ giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ tới Luật Toàn Long theo Tổng đài tư vấn miễn phí: 1900.6208 để được giải đáp nhanh chóng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét